Lượt xem: 692
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng
STO - Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 20-11-2018 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. So với Luật PCTN năm 2005 và Luật PCTN sửa đổi năm 2007, 2012 thì Luật PCTN năm 2018 có một số điểm mới nổi bật quan trọng để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng… Để tìm hiểu rõ hơn những nội dung này, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng ông Lê Trọng Nguyên - Chánh Thanh tra tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, một trong những điểm mới của Luật PCTN năm 2018 là mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, vậy cụ thể là những đối tượng nào?

Ông Lê Trọng Nguyên: Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật PCTN năm 2018 quy định tại Điều 34. Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại luật hiện hành, mà được mở rộng và chi tiết như là: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.

Phóng viên: Luật quy định như thế nào đối với trường hợp kê khai không trung thực?

Ông Lê Trọng Nguyên: Theo quy định tại Điều 51 của Luật PCTN năm 2018, đối với trường hợp kê khai tài sản không trung thực được áp dụng thực hiện như sau: Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến.

Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không thuộc các trường hợp nêu trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức như: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc.

Phóng viên: Vậy trách nhiệm của người đứng đầu sẽ ra sao khi cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng?

Ông Lê Trọng Nguyên: Tại Điều 72 của Luật PCTN năm 2018 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách như sau: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ có hành vi tham nhũng; cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

Phóng viên: Luật PCTN quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra trong thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ra sao, thưa ông?

Ông Lê Trọng Nguyên: Tại Điều 61 của Luật PCTN năm 2018 có quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Trong đó, đối với cơ quan thanh tra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo thẩm quyền như sau: Thanh tra Chính phủ thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan ở Trung ương thực hiện; người công tác tại Thanh tra Chính phủ thực hiện.

Thanh tra bộ thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện.

Thanh tra tỉnh thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương thực hiện.

Phóng viên: Luật quy định như thế nào về trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán?

Ông Lê Trọng Nguyên: Tại Điều 62 của Luật PCTN năm 2018 có quy định: Trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý như sau: Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trong trường hợp này, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước.

Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước đã kiến nghị.

Phóng viên: Đối với việc xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được luật này quy định ra sao, thưa ông?

Ông Lê Trọng Nguyên: Về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 64 của Luật PCTN năm 2018 quy định rõ như sau: Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung thì trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán nếu đã phát hiện, báo cáo về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán không xử lý thì trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Báo Sóc Trăng
Thông báo mới












Thống kê truy cập
  • Đang online: 59
  • Hôm nay: 1218
  • Trong tuần: 6 937
  • Tất cả: 598275
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả